BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM MÔN VĂN - Lớp 10


Bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể

Chủ đề này giúp học sinh nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện nói chung và thần thoại nói riêng như cốt truyện, không gian, thời gian, nhân vật, lời người kể chuyện ngôi thứ ba và lời nhân vật. Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của văn bản, phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề. Viết được một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của một tác phẩm truyện, biết thuyết trình, giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện. Bên cạnh đó còn hướng học sinh sống có khát vọng, hoài bão và thể hiện được trách nhiệm với cộng đồng.

Bài 2: Vẻ đẹp của thơ ca

Chủ đề này giúp học sinh phân tích và đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, đối, nhân vật trữ tình (chủ thể trữ tình); biết liên hệ, so sánh để thấy được một số điểm gần gũi về nội dung giữa các tác phẩm thơ thuộc hai nền văn hóa khác nhau; nhận biết và sửa chữa được lỗi dùng từ và lỗi về trật tự từ. Bên cạnh đó còn hướng học sinh biết nuôi dưỡng đời sống tâm hồn phong phú, có khả năng rung động trước vẻ đẹp của cuộc sống.

Bài 3: Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận

Chủ đề này giúp học sinh nhận biết và phân tích được nội dung của luận đề, luận điểm lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản nghị luận. Phân tích được mối quan hệ giữa các luận điểm, lí lẽ. bằng chứng và vai trò của chúng trong việc thể hiện nội dung của văn bản nghị luận. Xác định được ý nghĩa của văn bản nghị luận, dựa vào các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để nhận biết được mục đích, quan điểm của người viết; biết nhận ra và khắc phục những lỗi về liên kết, mạch lạc trong văn bản. Đồng thời hướng học sinh có thái độ quý trọng hiền tài, biết đồng cảm với người khác và sống có trách nhiệm.

Bài 4: Sức sống của sử thi

Chủ đề này giúp học sinh nhận biết và phân tích được một số yêu cầu của yếu tố sử thi: không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật. Biết nhận xét nội dung bao quát của văn bản, biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật và mối quan hệ giữa chúng, nêu được ý nghĩa của tác phẩm đối với người đoc. Hiểu được cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản, cách chú thích trích dẫn và ghi cước chú. Viết được báo cáo nghiên cứu, có sử dụng trích dẫn, cước chú, có hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ và tránh đạo văn. Biết thuyết trình về một vấn đề, nghe và năm bắt được nội dung thuyết trình, quan điểm của người nói, biết nhận xét về nội dung và hình thức thuyết trình. Bên cạnh đó, còn hướng học sinh biết trân trọng các giá trị tinh thần to lớn được thể hiện trong những sáng tác ngôn từ thời cổ đại còn truyền đến ngày nay.

Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian

Chủ đề này giúp học sinh nhận biết và phân tích được một số yếu tố của văn bản chèo hoặc tuồng như: đề tài, tính vô danh, tích truyện, nhân vật, lời thoại, phương thức lưu truyền; phát hiện được các giá trị đạo đức, văn hóa từ văn bản được học. Nêu được ý nghĩa hay tác động của văn bản thông tin đã đọc đối với bản thân. Viết được báo cáo nghiên cứu, có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ; có hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ và tránh đạo văn; biết trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu. Đồng thời có thái độ trân trọng đối với những di sản nghệ thuật quý báu mà ông cha truyền lại.

Bài 6: Nguyễn Trãi – “Dành còn để trợ dân này”

Chủ đề này giúp học sinh vận dụng được những hiểu biết về Nguyễn Trãi để đọc hiểu một số tác phẩm của tác gia này. Nhận biết và phân tích được bối cảnh lịch sử - văn hóa được thể hiện trong văn bản văn học. Nhận biết và phân tích được cách sắp xếp, trình bày luận điểm, lí lẽ, bằng chứng và vai trò của yếu tố biểu cảm trong văn bản nghị luận. Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội: trình bày rõ quan điểm và hệ thống luận điểm, bài viết có cấu trúc chặt chẽ, sử dụng các bằng chứng thuyết phục. Biết thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau, đưa ra được những căn cứ thuyết phục, tôn trọng người đối thoại. Ngoài ra, còn hướng cho học sinh kính trọng, biết ơn và học tập những nhân vật kiệt xuất đã có đóng góp lớn lao cho lịch sử và văn hóa dân tộc.

Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện

Chủ đề này giúp học sinh nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện như: người kể chuyện ngôi thứ ba và người kể chuyện ngôi thứ nhất, điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật. Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo mà người viết thể hiện qua văn bản, phát hiện được các giá trị đạo đức, văn hóa từ văn bản. Hiểu tác dụng của biện pháp chêm xen, biện pháp liệt kê, biết cách vận dụng các biện pháp này vào việc tạo câu. Viết được một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của một tác phẩm văn học. Biết thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau, đưa ra được những căn cứ thuyết phục, tôn trọng người đối thoại. Bên cạnh đó, hướng học sinh yêu thương, gắn bó và có trách nhiệm đối với quê hương, con người và cuộc sống.

Bài 8: Thế giới đa dạng của thông tin

Chủ đề này giúp học sinh phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản thông tin, cách đặt nhan đề của tác giả, nhận biết được mục đích của người viết, biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin. Nhận biết được một số dạng văn bản thông tin có sự lồng ghép giữa thuyết minh với một hay nhiều yếu tố như mô tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận và giải thích được mục đích của sự lồng ghép đó, nhận biết và phân tích được sự kết hợp giữa phương tiện ngôn ngữ với phương tiện phi ngôn ngữ. Biết coi trọng giá trị của thông tin, không ngừng mở mang hiểu biết về đời sống xung quanh.

Bài 9: Hành trang cuộc sống

Chủ đề này giúp học sinh nhận biết và phân tích được bối cảnh lịch sử hoặc bối cảnh văn hóa, xã hội của văn bản; nêu được ý nghĩa cùa văn bản đối với quan niệm sống của bản thân. Nhận biết và đánh giá được tác dụng của các phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản. Hướng học sinh biết làm chủ bản thân và có định hướng đúng đắn nhằm phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có đóng góp tích cực cho đời sống của cộng đồng.