Phân tích văn bản Thương nhớ mùa xuân

I. Mở bài – Giới thiệu về tác giả Vũ Bằng: + Tên thật là Vũ Đăng Bằng, bút danh của ông là Thiên Thư + Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả Vũ Bằng:

+ Tên thật là Vũ Đăng Bằng, bút danh của ông là Thiên Thư

+ Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội

+ Các tác phẩm của ông thường là những tác phẩm miêu tả chân thực, chi tiết về thiên nhiên, con người và cuộc sống xung quanh

+ Bút pháp nhẹ nhàng, truyền cảm và có sức lôi cuốn với độc giả

– Giới thiệu về “Thương nhớ mùa xuân”:

+ Được trích trong tập “Thương nhớ mười hai”

+ Sáng tác năm 1971

+ Tác phẩm không chỉ đơn thuần là miêu tả lại vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước khi xuân sang mà còn là những tình cảm của tác giả dành cho quê hương khi đang sống xa quê trong tình cảnh đất nước bị chia cắt

II. Thân bài

– Nội dung chính: Miêu tả cảnh đẹp của Hà Nội mỗi khi xuân sang Tết đến

– Cảm hứng yêu mến mùa xuân, bắt đầu từ vẻ đẹp của mùa xuân, tháng giêng đã chắp bút cho những dòng tâm tư tình cảm của ông:

+ Lý giải tình yêu mùa xuân là lẽ tất yếu của con người

+ Tình yêu mùa xuân giống như những tình yêu vốn có, đơn giản trong cuộc sống thường nhật

+ Điệp ngữ “ai bảo… đừng”, “ai cấm… đừng” như càng nhấn mạnh tình yêu là lẽ tất yếu phải có của con người

– Lời tâm tình, thủ thỉ, trò truyện của tác giả về mùa xuân:

+ Mùa xuân giờ đây được so sánh với một thiếu nữ đang độ đôi mươi

+ Trong từng sự vật thiên nhiên dường như cũng đong đầy, căng tràn sự sống của sắc xuân

– Cảnh đẹp của thiên nhiên mùa xuân:

+ Tiết trời dịu nhẹ, mưa xuân lất phất bay, những chùm hoa mận đào xinh xinh hé nở

+ Tình yêu mùa xuân của thi sĩ bắt đầu là từ yêu cái mưa riêu riêu, gió lành lạnh, yêu tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại, câu hát huê tình của cô gái trong mộng…

+ Mùa xuân xứ lạnh miền Bắc được đặc tả qua những đặc điểm tự nhiên chỉ có miền Bắc mới có như: mưa xuân, cái lạnh run người, tiếng nhạn kêu,…

– Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:

+ Bút pháp chấm phá

+ Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, tình cảm gắn bó, chân thành và tha thiết

+ Không chỉ khắc họa lên vẻ đẹp không thể phai nhòa của mùa xuân miền bắc mà còn cho thấy nỗi nhớ da diết của thi nhân với mùa xuân của quê hương

III. Kêt bài

- Nêu cảm nhận và nhận xét của em về tác phẩm trên

Bài tham khảo Mẫu 1

Mùa xuân không chỉ mang đẹp của thiên nhiên mà còn từ lòng người mỗi người. Ai ai cũng toát lên vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ và nồng nàn khi đón chào mùa xuân mới. Trong tác phẩm “Thương nhớ mùa xuân”, Vũ Bằng đã viết:“Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống trong người căng lên như máu”. Mùa xuân khiến trái tim con người thổn thức, háo hức, sự sống trong ta muốn cựa quậy, muốn bùng cháy. Xuân đã làm cho tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn những ngày đông giá. Rét của mùa xuân không còn giống như rét “căm căm” của mùa đông xứ Bắc, mà là một cái lạnh thật dịu dàng, nhẹ nhàng biết bao.

Với ngòi bút tài hoa, cảm nhận tinh tế và ngôn ngữ giàu chất thơ, Vũ Bằng đã khiến người đọc hồi tưởng về kí ức của những mùa xuân đã qua, cái không khí và mùi hương của xuân ở quê hương, của lòng người thoang thoảng mênh mang.

Và xuân đến mang tới một tháng giêng tươi đẹp nhất, hội tụ những vẻ đẹp ngọt ngào nhất. Như trong “Vội Vàng”, Xuân Diệu đã từng nói: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Còn trong văn của thi sĩ Vũ Bằng, tuy không được dịu ngọt và hối hả như Xuân Diệu, nhưng lại mang vẻ đằm thắm và da diết khiến người đọc phải say mê, đắm chìm trong đó. Khi tháng giêng về, đó cũng là lúc đất trời chuẩn bị có sự chuyển giao diệu kỳ và đầy tinh tế. Đất bắc mang một nét đẹp thật trong veo, đằm thắm, có sự hòa quyện nhịp nhàng giữa con người với cảnh sắc thiên nhiên của đất trời. Và có lẽ vì thế mà lòng người cũng đồng điệu, hòa cùng nhịp điệu nhộn nhịp của mùa xuân.

Không biết vì lý do gì, cứ “Tự nhiên như thế”, người người, nhà nhà “ai cũng chuộng mùa xuân”. Không có gì lạ khi người ta yêu chiều, thích thú khi đón chào tháng giêng bởi “tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân”. Vì thế mà “người ta càng trìu mến”. Xuân đến, mang bao điều tươi mới, mang tới sức sống tràn đầy, cho cây lá đâm chồi nảy lộc, cho hương sắc đất trời càng thêm rực rỡ, cho lòng người càng dịu dàng nồng say. Xuân cứ ngọt ngào như vậy thì ai mà chẳng mê! “Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng” thì khi ấy “mới hết được người mê luyến mùa xuân”. Vũ Bằng cũng giống như mọi người, chàng thi sĩ ấy cũng bày tỏ tình cảm yêu quý của mình dành cho mùa xuân xinh đẹp: “Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải vì thế. Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…” Mùa xuân của Vũ Bằng là mùa xuân của miền Bắc Việt Nam, là cái không khí của xuân Hà Nội, là những cơn mưa xuân nhỏ li ti, kéo dài tới hàng mấy ngày, là những cơn gió man mát thi thoảng lại thổi một luồng qua những người đi đường, là âm thanh đặc trưng của mùa xuân,… Tất cả những điều ấy đã tạo nên một xuân dịu dàng, nồng nàn khiến cho không chỉ tác giả mà biết bao tâm hồn con người phải đắm say vào đó. Khi đất trời giao thoa, không khí dễ chịu, cảnh vật tươi tắn, những “người yêu cảnh” khi ấy chỉ muốn “khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống”. Người ta có thể dạo chơi, rồi thưởng thức hết vẻ đẹp của cái xuân ấy, thế là đã hết ngày. Vậy đấy, “cái mùa xuân thần thánh của tôi làm cho người ta muốn phát điên lên như thế ấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh”. “Cùng với mùa xuân trở lại”, tâm hồi, trái tim “người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá”. Nhưng lúc ấy, đường sá ngoài kia chẳng còn sự lầy lội, ẩm ướt của cái giá lạnh mùa đông, thay vào đó là tiết trời dịu ngọt, êm ả, man mác, khiến ta sung sướng và hạnh phúc biết bao. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.

Tác giả đã không kìm được nữa mà phải thốt lên rằng “Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến”. Mùa xuân xinh đẹp như thế, ai mà chẳng yêu, ai mà chẳng nhớ, với tác giả mùa xuân Hà Nội khiến lòng nhà thơ đầy rộn ràng, nhộn nhịp, say đắm vô cùng. Đặc biệt ông “yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng” bởi lúc này đây “Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác”. Nhưng đồng thời cũng là lúc phải chia tay với những bữa cơm “thịt mỡ dưa hành” nhà nhà lại “bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng”.

Thương nhớ mùa xuân của Vũ Bằng là những dòng cảm xúc thật dịu dàng, nhẹ nhàng, trong tẻo và đầy tươi mới của mùa xuân “Bắc Việt”. Nó gợi nhắc cho độc giả về không khí nhộn nhịp, rộn rã, những thanh âm trong trẻo và ngọt lành của một mùa xuân xinh tươi, tràn đầy sức sống.

Bài tham khảo Mẫu 2

Mùa xuân không chỉ đẹp bởi cảnh thiên nhiên mà còn bởi sự rạng ngời từ tâm hồn mỗi người. Ai cũng tỏa lên vẻ dịu dàng, quyến rũ và nồng nàn khi đón chào mùa xuân mới. Trong tác phẩm “Thương nhớ mùa xuân”, Vũ Bằng đã ghi lại: “Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống trong người căng lên như máu”. Mùa xuân khiến con tim người thổn thức, háo hức, động lực bùng cháy. Xuân đã làm cho “trái tim người ta cảm thấy như trẻ hơn, đập mạnh hơn so với những ngày đông”. Sự rét của mùa xuân không còn giống với sự lạnh “căm căm” của mùa đông ở Bắc nữa, mà thay vào đó là một loại lạnh thật dịu dàng, nhẹ nhàng không thể tả.

Với ngòi bút tài hoa, cảm nhận tinh tế và ngôn ngữ phong phú cùng nhiều hình ảnh so sánh độc đáo, mới lạ, Vũ Bằng đã khiến người đọc hồi tưởng về kí ức của những mùa xuân đã trôi qua, không khí và hương thơm của xuân ở quê hương, của tâm hồn thoang thoảng mênh mang.

Và xuân đến mang theo một tháng giêng rạng ngời nhất, tụ tập những vẻ đẹp ngọt ngào nhất. Như trong “Vội Vàng”, Xuân Diệu đã từng nói: “Tháng giêng ngọt ngào như một cặp môi gần”. Trong tác phẩm của thi sĩ Vũ Bằng, mặc dù không được ngọt ngào và hối hả như Xuân Diệu, nhưng lại mang vẻ đẹp dịu dàng và da diết khiến người đọc phải say mê, đắm chìm trong đó. Khi tháng giêng về, đó cũng là lúc đất trời chuẩn bị có sự chuyển đổi diệu kỳ và đầy tinh tế. Đất bắc mang một nét đẹp thực sự trong lành, đằm thắm, có sự hòa quyện nhịp nhàng giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên của đất trời. Và có lẽ vì thế mà lòng người cũng đồng điệu, hòa cùng nhịp điệu sôi động của mùa xuân.

Không rõ vì lý do gì, nhưng mỗi người, mỗi gia đình đều “cảm thấy đặc biệt với mùa xuân”. Việc yêu thích và chào đón tháng giêng là điều phổ biến, bởi “tháng giêng đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân” và điều này khiến mọi người “đặc biệt ưa thích”. Mùa xuân mang lại sự mới mẻ, đem đến sức sống tươi mới, khiến cho cây cỏ bắt đầu mọc, và làm cho màu sắc của thiên nhiên trở nên rực rỡ hơn. Trái tim của mọi người cũng trở nên ôn hòa, dịu dàng và nồng nàn hơn, khi mà mùa xuân đem đến sự ngọt ngào đặc trưng. Như vậy, không ai có thể không say mê mùa xuân! “Ai có thể kiềm chế tình yêu của non đối với nước, bướm dành cho hoa, và trăng thương trời”, ai có thể ngăn cản tình mẹ yêu con; ai có thể ngăn cản cô gái trẻ yêu thương chàng trai của mình. Chính những điều này khiến “người ta mê mẩn mùa xuân”. Vũ Bằng, như nhiều người khác, cũng dành tình cảm đặc biệt cho mùa xuân đẹp đẽ: “Tôi yêu sông, yêu núi; yêu đôi mắt ai như mặt trăng mới lóe sáng và tôi còn mơ ước, nhưng mà đặc biệt, tôi yêu mùa xuân của Bắc Việt Nam, mùa xuân của Hà Nội – mùa xuân có những cơn mưa phùn nhẹ rả rích, cùng với những cơn gió mát mẻ, đôi khi thổi qua người đi đường. Đó là âm thanh đặc trưng của mùa xuân… Tất cả những điều này tạo nên một mùa xuân dịu dàng, nồng nàn, khiến không chỉ tác giả mà còn nhiều tâm hồn khác đắm chìm. Khi đất trời giao thoa, không khí dễ chịu, cảnh vật tươi tắn, những “người yêu cảnh” thích thú với việc ra ngoài, thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân đó.

Bài tham khảo Mẫu 3

Vũ Bằng (1913 – 1984) có tên thật là Vũ Đăng Bằng, bút danh như Thiên Thư. Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng quê gốc lại ở Hải Dương. Đặc điểm chung của sáng tác của Vũ Bằng là phong cách miêu tả chân thực cuộc sống xung quanh, về thiên nhiên và con người, sự thay đổi của quê hương đất nước với một giọng văn nhẹ nhàng, truyền cảm và có sức hấp dẫn với người đọc. Thương nhớ mùa xuân là một thi phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông.

Tác phẩm “Thương nhớ mùa xuân” trích trong tập “Thương nhớ mười hai” của tác giả Vũ Bằng được sáng tác năm 1971. Đây là lúc tác giả sống xa quê hương vì tình cảnh đất nước chia lìa. Vì thế những dòng tâm sự của ông trong tuỳ bút này luôn chất chứa những tình cảm nâng niu, trìu mến với quê hương, đất nước và với mùa xuân tươi đẹp.

Cảm hứng yêu mến mùa xuân, bắt đầu từ vẻ đẹp của mùa xuân, tháng giêng đã chắp bút cho những dòng tâm tư tình cảm của tác giả. Ban đầu tác giả lý giải tình yêu mùa xuân, yêu tháng giêng chính là lẽ tất yếu của con người. “Ai bảo được non đừng thương nước, ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”, phép điệp ngữ ai bảo… đừng, ai cấm… đừng nhấn mạnh tình yêu mùa xuân chính là lẽ tất yếu trong cuộc đời của mỗi con người. Những quy luật tự nhiên của con người như trai yêu gái, non thương nước, mẹ yêu con, bướm yêu hoa thì ai cũng phải công nhận. Thì tình yêu mùa xuân của con người cũng tự nhiên như thế, chẳng ai có thể cấm được. Mùa xuân vốn cũng đẹp, dịu dàng thế nên ai mà chẳng yêu mến mùa xuân.

Đoạn văn tiếp nối rất tự nhiên như lời tâm tình, trò chuyện của tác giả với một thiếu nữ trong tưởng tượng. Ông hình dung tình yêu mùa xuân của chàng trai và cô gái trẻ rạo rực như nhựa sống trong lòng, chỉ chờ dịp đặc biệt nào đó mà bất ngờ bung tỏa. Trong từng nhành mai, gốc đào đều rạo rực nhựa sống; núi cũng chuyển mình, sông hồ cũng rung động trong cuộc đổi thay của cuộc đời.

Mùa xuân đẹp, rạo rực với tiết trời dịu nhẹ, mưa xuân lất phất bay, những chùm hoa mận đào xinh xinh hé nở. Thi sĩ yêu mùa xuân như yêu đôi mày ai, như yêu sông xanh núi tím nhưng yêu mùa xuân không phải chỉ có thế. Tình yêu mùa xuân của thi sĩ bắt đầu là từ yêu cái mưa riêu riêu, gió lành lạnh, yêu tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại, câu hát huê tình của cô gái trong mộng… Những câu văn đã khắc hoạ vẻ đẹp rực rỡ, tràn trề nhựa sống của mùa xuân. Bút pháp chấm phá, gợi tả đã khắc hoạ vẻ đẹp rất độc đáo, đặc trưng chỉ có ở mùa xuân xứ Bắc Kỳ. Cái mưa riêu riêu, gió lành lạnh, tiếng nhạn kêu trong đêm xanh… tất cả những điều đó chỉ có mùa xuân ở xứ Bắc mới có. Đó cũng là điều tự hào, là niềm nhớ thương da diết của thi nhân. Thi sĩ còn dõng dạc gọi là mùa xuân của tôi, mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội… các từ ngữ sở hữu kết hợp với các danh từ riêng nhấn mạnh tình yêu, niềm khát khao được thâu trọn mùa xuân của thi nhân. Cũng cho thấy nỗi nhớ da diết của thi nhân với mùa xuân của quê hương mình.

Có thể nói đây là một trong những tùy bút xuất sắc về đề tài mùa xuân. Với ngôn ngữ giàu chất tạo hình, tình cảm gắn bó, chân thành và tha thiết, tùy bút đã tái hiện một mùa xuân tuyệt đẹp trong mắt người đọc. Qua đó thể hiện tình yêu và sự gắn bó tha thiết của thi nhân với mùa xuân quê hương, nhất là với thủ đô Hà Nội yêu dấu.

2K7 tham gia ngay group để nhận thông tin thi cử, tài liệu miễn phí, trao đổi học tập nhé!

close