Phân tích văn bản Chiều xuân

I. Mở bài - Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm: + Anh Thơ (1921 - 2005) là một nữ thi sĩ tiêu biểu của phong trào thơ Việt Nam hiện đại với những tác phẩm thơ thiên về tả cảnh bình dị quen thuộc.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm:

+ Anh Thơ (1921 - 2005) là một nữ thi sĩ tiêu biểu của phong trào thơ Việt Nam hiện đại với những tác phẩm thơ thiên về tả cảnh bình dị quen thuộc.

+ Chiều xuân trích từ tập thơ đầu tay “Bức tranh quê” in năm 1941.

II. Thân bài

1. Luận điểm 1: Bức tranh chiều xuân

a, Bến vắng chiều xuân (Khổ 1)

"Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"

- "mưa bụi, con đò, nước sông trôi, quán tranh vắng, hoa xoan tím,…"

→ Những hình ảnh quen thuộc đặc trưng cho miền quê Việt Nam: bến đò vắng khách, con đò nằm yên một chỗ, quán nhỏ, cây xoan đầy hoa tím...

→ Cảnh đẹp, êm ả, yên bình nhưng gợn buồn.

- "Êm êm": từ láy gợi tả hình ảnh những giọt mưa rơi nhẹ điểm xuyết cho khung cảnh, không ồn ào, vội vã hay nặng hạt mà có chút gì đó như chầm chậm theo từng khoảnh khắc thời gian.

- "êm êm, biếng lười, im lìm, tơi bời"… : gợi tả sự vắng lặng của chiều quê.

→ Cuộc sống yên tĩnh có phần ngưng đọng: chiều mưa lạnh, bến sông ven làng tiêu điều, vắng vẻ; một bức tranh dường như thiếu sắc màu và ánh sáng.

b, Đường đê chiều xuân (Khổ 2)

“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”

- "cỏ non tràn biếc cỏ, đàn sáo, cánh bướm, trâu bò,..." → những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân đồng bằng Bắc Bộ

- "sà xuống mổ vu vơ, rập rờn, thong thả..." →Từ ngữ diễn tả hoạt động

→ Bức tranh có sự chuyển đổi từ gam màu buồn sang sự sống, gam màu xanh "biếc" của cỏ, từ tĩnh sang động

→ Cảnh vật thân thương và bình yên quá đỗi, độc đáo và nên thơ, cảnh quen thuộc trở nên mới mẻ, sinh động, làm vơi đi nỗi cô đơn của bến vắng.

2. Luận điểm 2: Không khí và nhịp sống thôn quê (Khổ 3)

"Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa."

- “Xanh rờn”: màu xanh nhẹ nhàng đầy sức sống của mùa xuân

- "cô nàng, yếm thắm": Cảnh sắc bớt vắng vẻ và trở nên ấm áp hơn.

- "cúi, cuốc, cào, chốc chốc vụt qua" → Câu thơ tả động để nói đến cái tình, và nhấn mạnh nhịp sống bình yên của làng quê.

→ Nhịp sống khoan thai nơi đồng quê.

- “sắp ra hoa” → Niềm tin của con người vào một tương lai tươi sáng.

- Không khí thơ mộng, êm đềm, tĩnh lặng thể hiện qua:

+ Hình ảnh dân dã, hài hòa, êm dịu trong tổng thể bức tranh làng quê thanh bình.

+ Từ ngữ gợi hình, gợi cảm: sử dụng hiệu quả biện pháp nhân hóa (đò biếng lười, quán tranh đứng im lìm…), cách diễn đạt độc đáo (cúi ăn mưa, cỏ non tràn biếc cỏ)…

+ Bút pháp lấy động tả tĩnh: cái giật mình của cô gái khác đàn cò vút bay ra.

- Nhịp sống nhẹ nhàng, chậm rãi, khoan thai thể hiện qua:

+ Hệ thống từ láy gợi cảm diễn tả trạng thái nhẹ nhàng, êm đềm của đối tượng.

+ Thiên nhiên và con người được miêu tả trong nhịp điệu chậm rãi, khoan thai.

III. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của bài thơ:

+ Nội dung: Vẻ đẹp chiều xuân bình dị, đơn sơ mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, tình yêu làng quê, đất nước sâu sắc và thiết tha.

+ Nghệ thuật: Từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm, sử dụng nhiều từ láy; thủ pháp lấy cái động để nói cái tĩnh.

- Cảm nhận đánh giá của em về bài thơ.

Bài tham khảo Mẫu 1

Nhận xét về nữ sĩ Anh Thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết: “Khi chị đến thì phong trào Thơ mới đã ổn định với các tên tuổi tiêu biểu của nó, nhưng chị vẫn có đóng góp riêng: những bức tranh thôn quê xứ Bắc. Cùng với Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân… Anh Thơ làm giàu thêm lòng yêu quê hương làng nước của người Việt Nam mình”. Điều này được thể hiện rất rõ qua bài thơ “Chiều xuân”.

Thi phẩm “Chiều xuân” nằm trong tập thơ “Bức tranh quê”, được xuất bản năm 1941. Tập thơ nói chung và tác phẩm nói riêng đã đưa tên tuổi của nàng thiếu nữ mới 17 tuổi xứ Kinh Bắc tỏa sáng, giúp Anh Thơ dành được giải thưởng trong cuộc thi thơ của Tự lực văn đoàn. Không quá cầu kì, ngay từ nhan đề, nhà thơ đã thể hiện nội dung chính của tác phẩm. Cái tên “Chiều xuân” nhấn mạnh vào không gian, thời gian mà nhân vật trữ tình đang đắm chìm: buổi chiều mùa xuân thơ mộng. Buổi chiều vốn dĩ xuất hiện rất nhiều trong văn học Việt Nam, đặc biệt là những câu ca dao nói về nỗi nhớ, nỗi buồn:

“Chiều chiều bóng đổ qua cầu
Con ong say vì mật, con bướm sầu vì hoa.”

Tác giả tả mùa xuân - mùa đẹp nhất trong năm, biểu tượng của sức sống, sự hồi sinh nhưng lại chọn thời gian buổi chiều. Điều này dường như báo hiệu bài thơ sẽ khắc họa một bức tranh thiên nhiên rất mực giản dị, đằm thắm nhưng phảng phất nỗi buồn. Từ hình ảnh chiều xuân Bắc Bộ trên bến vắng, đường đê đến cánh đồng, Anh Thơ đã thực sự lay động tâm hồn người đọc.

Mở đầu bài thơ, tác giả đưa người đọc đến với không gian bến sông quê quen thuộc có cơn mưa xuân:

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.”

Mưa phùn vốn là một đặc trưng của mùa xuân đất Bắc. Mưa an ủi lòng người, làm dịu đi cái rét ngọt khô khốc của mùa đông nhưng cũng chẳng ồn ào giống mưa rào mùa hạ. Nhà thơ “Chân quê” Nguyễn Bính cũng từng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của những cơn mưa phùn lất phất ấy mà viết nên những vần thơ:

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.”

Mưa của Nguyễn Bính “bay”, mưa của Anh Thơ “đổ”. Mưa của Nguyễn Bính “phơi phới” vui tươi, thắm đượm ý tình như trái tim người thiếu nữ xao xuyến những nhịp đập yêu đương còn mưa trong thơ Anh Thơ lại “êm êm” yên bình, thoáng chút cô liêu. Đóa hoa xoan tím biếc rụng dưới chân Nguyễn Bính “lớp lớp”, “vơi đầy” nhưng sang đến trong cảm nhận của Anh Thơ lại là ấn tượng về sự tan tác, “rụng tơi bời”. Quả thực, “Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác”. Cùng viết về một đề tài nhưng mỗi nhà văn lại có những cách khai thác riêng. Chi tiết “bến vắng” mở ra một không gian rộng lớn mênh mông nhưng đìu hiu, quạnh quẽ. Động từ “đổ” diễn tả cơn mưa không nặng hạt nhưng có mật độ dày đặc, tựa như lớp bụi mờ liên tục trút xuống bến sông. “đổ” thế mà lại “êm” đến lạ kỳ! Cảnh vật cơ hồ không một tiếng động. Biện pháp nhân hóa “biếng lười nằm mặc nước sông trôi” khiến hình ảnh con đò trở nên sinh động. Con đò tựa như một người đương thời ngơi nghỉ, sau khi đã vất vả chộn rộn suốt một năm. Câu thơ tiếp theo xuất hiện hình ảnh “Quán tranh”. Đó là một sản phẩm của con người nhưng ở đây mái tranh bên sông lại “đứng im lìm trong vắng lặng”. “im” và “vắng” xuất hiện trong tùng một câu thơ càng như cực tả cái cô đơn, hoang vu của cảnh vật. Có mưa, có hoa, có quán nước, con đò, khổ thơ hội tụ tất cả những hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam. Bức tranh chiều xuân nơi bến đò nên thơ mà đượm buồn man mác qua cảm nhận tinh tế của “nàng thơ áo trắng sông Thương”.

Khổ thơ thứ hai, tác giả đã chuyển hướng nhìn sang con đê và có những phát hiện thú vị:

“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”

Đoạn thơ đã xuất hiện những gam màu tươi sáng của cỏ non, đàn sáo, cánh bướm rực rỡ và đàn trâu, đàn bò. Điệp từ “cỏ” lặp lại hai lần trong một câu thơ kết hợp với cách viết “tràn biếc” gợi lên hình ảnh thảm cỏ xanh non kéo dài tít tắp tận chân trời. Màu xanh bao trùm lấy con đê, miên man vô tận. Những đàn sáo xuất hiện làm khung cảnh thêm phần sinh động. Từ láy “vu vơ” diễn tả tâm thế ung dung, thong thả như đang dạo chơi xuân của đàn sáo. Nhà văn Nhất Linh đã nhận xét rằng Anh Thơ “không chỉ thơ đẹp mà mắt cũng đẹp”. Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, chứa đựng những rung động tình cảm sâu lắng nhất. Với con mắt tinh tế của mình, Anh Thơ đã viết nên những vần thơ tuyệt đẹp. Bà dùng từ “trôi” miêu tả chuyển động của những cánh bướm, đem đến cảm giác bướm bay nhẹ đến mức tưởng như đôi cánh của chúng được làn gió nâng đi. Hình ảnh “Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa” đã cho thấy nhịp sống yên bình, thanh tĩnh ở làng quê. Những câu thơ chứa chan niềm hạnh phúc dịu ngọt, man mát dễ chịu, khẽ khàng len lỏi vào tâm hồn người đọc. Tác phẩm đúng là “giọng thơ trong sáng như tiếng thở dài của người thiếu nữ ngồi sau khung cửa nhỏ nhìn thấy chiều quê yên tĩnh đường tràn ngập ánh dương quang”

Đến khổ thơ cuối cùng, tác giả hoàn thiện những nét gam màu cuối cùng của bức tranh xuân:

“Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.”

Vẫn là màu xanh nhưng cái xanh non, xanh biếc của cỏ sẽ khác với xanh rờn của lúa. “xanh rờn” đi với “ướt lặng” đem đến ấn tượng về một đồng lúa rộng mênh mông và yên tĩnh. Mưa xuân làm ướt ruộng đồng, khiến ta có cảm giác màu xanh như càng được tô đậm thêm, chảy tràn khắp đất trời. Thế rồi, những cánh cò trắng xuất hiện xé tan màu xanh u tịch ấy. Từ “bỗng” thể hiện cảm xúc ngỡ ngàng, bất ngờ tột độ của nhà thơ. Hai câu thơ đầu đoạn làm hiện ra trong tâm trí người đọc hình ảnh những cánh đồng lúa thân thương trong ca dao:

“Cánh cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng.”

Sắc màu tươi đẹp nhất trong bức tranh đã xuất hiện, chính là màu đỏ thắm từ chiếc yếm của người con gái. Sự “giật mình” của cô gái dẫu nhỏ bé mà cũng đủ làm sống dậy quang cảnh xung quanh, đem đến sức sống cho buổi chiều xuân. Cách dùng từ “Cúi cuốc cào cỏ” rất độc đáo với việc sử dụng phụ âm đầu “C” liên tiếp, thể hiện những tâm thế lao động cần mẫn, động tác thuần thục của người thiếu nữ. Cô đang gieo trồng sự sống trên những thửa ruộng sắp ra hoa.

Như vậy, bằng thể thơ tự do, cách ngắt nhịp linh hoạt, ngôn ngữ thơ trong sáng, hình ảnh thơ giản dị, nhịp điệu thơ chậm rãi và hơn hết là bút pháp tả cảnh với những nét chấm phá điêu luyện, Anh Thơ đã vẽ nên bức tranh chiều xuân ở nông thôn Bắc Bộ rất đỗi hữu tình, nên thơ. Qua trái tim nhạy cảm, yêu cái đẹp của một người thiếu nữ, từng nét mưa, nét hoa cũng trở nên thoáng gợi buồn. Từ đó, ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước của nhà thơ.

Bài tham khảo Mẫu 2

Anh Thơ ( 1921-2005) quê ở Bắc Giang, từ nhỏ bà đã tìm đến văn thơ để giải thoát và tự khẳng định mình. Tháng 8 năm 1945 Anh Thơ hăng hái tham gia cách mạng, nhiệt tình phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước bằng sáng tác thơ ca bà từng là ủy viên ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam, bà đã để lại nhiều tập thơ có ý nghĩa tinh thần và nghệ thuật sâu sắc. Trong đó có bài “chiều xuân” Anh Thơ đã miêu tả một bức tranh quê chiều xuân thanh bình, đồng thời thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha của mình.

Quê hương đất nước là mảng đề tài quen thuộc của giới văn nghệ sĩ, đã có nhiều tác phẩm tuyệt vời ra đời, Anh Thơ là một trong số những nhà văn đó đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước thiết tha qua những vần thơ mộc mạc, chân thành nhưng sâu lắng. Cảnh quê hương thanh bình yên ả của một quê hương giàu đẹp được thi nhân đón nhận bằng cả tâm hồn. Trải rộng bài thơ trích trong tập thơ “bức tranh quê” xuất bản năm 1941.

Anh thơ đã chọn thể thơ 8 chữ, gieo vần giãn cách, mỗi khổ có 4 câu là một bức tranh quê êm đềm, thư thái như tâm hồn người phụ nữ :

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”

Nhịp thơ 3/5 chậm rãi, khoan thai với những hình ảnh quen thuộc trong ca dao và thơ ca cổ điển Việt Nam vẫn là bến nước, con sông, con đò, quán nước nhưng có lẽ không phải bên sông có đông người lên xuống mà là một bến vắng, con đò cũng không phải là con đò nối giữa cầu hai cảng mà là con đò biếng lười, hờ hững để mặt dòng sông trôi xuôi và quán tranh im lìm, vắng lặng trong một chiều mưa xuân . Tất cả cảnh vật như rơi vào tình trạng im ắng tuyệt đối, tất cả như đang mong mỏi một cái gì đó đến từ nơi xa thẳm. Nếu như không có sự chuyển động của nước sông trôi và “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” thì người đọc tưởng như mình đang đối diện với bức tranh xuân tĩnh vật, bức tranh xuân tuyệt đẹp, thật êm ả nhưng cũng thật buồn , chất chứa tâm trạng buồn não nề của chủ thế tôi đang cô đơn, khao khát đợi chờ, hỏi thăm. Khổ thơ như chứa đựng được nỗi niềm của thi nhân.

Ở khổ thứ 2, từ cái nhìn bao quát tác giả đi gần vào với con người và thiên nhiên

“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa .”

Cảnh chiều xuân được mở rộng hơn sau những ngày băng giá, xuân về cỏ non trở nên tốt tươi hơn “cỏ non tràn biếc cỏ”, điệp từ “cỏ” được lặp lại 2 lần đã khắc họa được cảnh vật thân quen ở nông thôn, cỏ non xanh mơn mởn, sức sống bừng lên mạnh mẽ qua cụm từ “tràn biếc cỏ” trên nền hình ảnh cỏ xuân ấy, chiều xuân hiện ra thật sinh động:“Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ” cùng với đàn bò đang gặm cỏ để ăn và cao hơn một chút là: “Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió”, cảnh vật có động nhưng thật nhẹ nhàng vì đàn sáo đen sà xuống nhưng chỉ mổ một cách vu vơ, vài ba cánh bướm thì lại không bay mà để mặc trôi trước gió, mấy chú trâu bò kia lại cúi thong thả ăn mưa, cách miêu tả của Anh Thơ đã làm cho vật đã tỉnh nay càng thêm tỉnh hơn, càng trở nên mơ hồ, huyền hoặc hơn.

Tác giả lại đi vào chỉ tiết hơn ở cánh trong đồng, được Anh Thơ thể hiện trong khổ 3 của bài thơ:

“Trong đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa .”

Thi nhân tiếp tục khắc họa thêm hình ảnh chiều xuân với “đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng” , có những chú cò con thỉnh thoảng lại tung vụt bay lên giữa mảnh ruộng sắp ra hoa, trên khung cảnh chiều xuân ấy lại có sự xuất hiện thêm bóng dáng của thiếu nữ đang cúi cuốc cào, tưởng chừng như cô gái đang chăm chỉ với công việc, nhưng không tập trung vào công việc của mình nhiều lắm, chỉ cần tiếng cất cánh của đàn chim con” thôi mà cô gái cũng phải giật mình, cái “giật mình” thật đáng suy nghĩ, nàng yêu thắm kia thả hồn về nơi đâu trong tuổi dậy thì mơ mộng với nỗi buồn vu vơ, nàng ngẩn ngơ trước cảnh vật đang rạo rực vào xuân.

Cả bài thơ chỉ vỏn vẹn có 3 khổ thơ, mỗi khổ là một bức tranh xuân hợp lại, tạo nên cảnh xuân buổi chiều êm ả, bình yên và tĩnh lặng. Qua thủ pháp lấy động tả tĩnh cảnh sắc tươi tắn, con người mộng mơ, với sự quan sát tinh tế của người con gái phải yêu quê hương tha thiết thì ngòi bút của nhà văn Anh Thơ mới dựng lên được một cảnh chiều mưa xuân đẹp đến như thế.

Bài tham khảo Mẫu 3

Anh Thơ là nữ thi sĩ tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại. Bà có sở trường viết về cảnh sắc nông thôn, gợi được không khí và nhịp điệu sống ở miền Bắc. Ham văn chương, chịu khó đọc sách, Anh Thơ tìm đến văn chương như một cách tự giải thoát và khẳng định mình.

Năm 1937 (mười sáu tuổi) bà đã có thơ đăng báo. Nguyễn Bính viết về nét “chân quê”, thì Anh Thơ lại thiên về “cảnh quê” thân thuộc pha chút tâm sự bâng khuâng, u buồn của cái tôi thơ mới. Bài thơ Chiều xuân là một bài thơ tả cảnh, giọng điệu thơ rất dịu dàng, ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng.

Bài thơ Chiều xuân được rút từ Bức tranh quê, tập thơ đầu tay của Anh Thơ gồm 41 bài viết về cảnh nông thôn bình dị, quen thuộc. Một số bài trong tập thơ làm xúc động lòng người đọc bởi những nét vẽ chân thực, tinh tế, thấm đượm tình quê đằm thắm và có chút tâm sự bâng khuâng, u buồn của “cái tôi” thơ mới.

Bài thơ với ba khổ thơ như vẽ nên ba bức tranh về chiều xuân yên ả, thanh bình. Những bức tranh nhỏ ghép lại thành một bức họa lớn về bức tranh thiên nhiên nơi đồng quê miền Bắc nước ta. Khổ thơ thứ nhất tương ứng với bức tranh thứ nhất, tả cảnh một chiều mưa bụi với những hình ảnh thân thuộc, “bến sông vắng khách”, “quán tranh” và “chòm xoan đầy hoa tím”:

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”

Nhà thơ đã dùng cả tâm hồn nhạy cảm của mình để cảm nhận cảnh vật, trong một buổi chiều mưa lạnh nên cảnh vật trở nên tiêu điều, vắng vẻ và có phần xơ xác. Bao trùm cả bức tranh là một vẻ tĩnh lặng gần như là hoàn toàn, nhưng vẫn có sự hoạt động của cảnh vật dù chỉ là sự hoạt động rất nhẹ: “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”, các cảnh vật còn lại dường như chỉ lặng im, con đò thì “nằm mặc nước sông trôi”, còn quán tranh thì “đứng im lìm”.

Con đò hàng ngày tất bật chở khách thì hôm nay trở nên “biếng lười”, như tỏ vẻ mệt mỏi. Quán tranh trong buổi chiều mưa bụi cũng trở nên vắng lạnh vì thiếu đi sự nhộn nhịp tấp nập tiếng cười, tiếng trò chuyện của khách. Những cơn mưa dù nhỏ, nhẹ nhưng khi kèm theo những cơn gió gió còn vướng hơi lạnh của những ngày cuối mùa đông cũng đủ sức làm cho những chòm hoa xoan tím rụng “tơi bời”.

Nhưng có lẽ chính sự tĩnh lặng này đã làm cho bức tranh buổi chiều xuân có chiều sâu của nó, tất cả cảnh vật đều như ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín. Tiếp đến là khổ thơ thứ hai với bức tranh thứ hai, nếu như ở bức tranh thứ nhất là bức tranh về cảnh vật tĩnh lặng thì ở bức tranh thứ hai dường như đã có sự sống, hoạt động của các loài động vật:

“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”

Con đê ven làng là hình ảnh thân thuộc mà có lẽ ở vùng quê nào cũng có, mùa xuân là mùa của hoa lá, cỏ cây bắt đầu sinh sôi nảy nở, chính vì vậy mà con đường ven đê cỏ non tràn biếc cỏ, câu thơ thể hiện sự tươi mát, xanh non của cảnh vật tràn ngập sức sống của mùa xuân, hai từ cỏ như mở ra trước mắt ta một không gian ngập tràn màu xanh làm tâm hồn ta mênh mang, rộng mở.

Trên cái nền xanh tươi ấy là hình ảnh “đàn sáo đen”, là “mấy cánh bướm” và “những trâu bò”, tất cả như một sự điểm xuyết làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động hơn.

Trong bức tranh này các hoạt động cũng trở nên rộn ràng, tấp nập hơn chứ không nhỏ, nhẹ như bức tranh thứ nhất, đàn sáo đen sà xuống mặt đất mổ nhưng chỉ là mổ vu vơ, trước cơn gió xuân ta cảm giác như những cánh bướm không bay mà là đang “trôi’ theo làn gió, đặc biệt là hình ảnh trâu bò “cúi ăn mưa”, tại sao không phải là ăn cỏ mà lại là “ăn mưa”.

“Trong đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”

So với cảnh đầu bài thơ, ở đây không gian đã hoạt động hơn, đã có con người làm lụng và cảm xúc, ruộng lúa sắp ra hoa thay vì hoa xoan rụng, cảnh sắc bớt vắng vẻ, bài thơ có được cái ấm áp của đời thường.

Màu đỏ của chiếc yếm thắm được đặt trong một khuôn tranh có màu xanh của lúa, màu trắng của cò trở nên đối chọi mà vẫn hết sức hòa hợp. Bức tranh chiều xuân trên cánh đồng lúa vì vậy mà trở nên tươi sáng hơn, giàu sức sống hơn, ấm áp hơn. Xua tan đi tất cả những giá lạnh, buồn bã, quạnh hiu của buổi chiều xuân ở những khổ thơ trên.

Chiều xuân của Anh Thơ là một bản nhạc đầy thương yêu và tự hào dành cho quê hương mà thi sĩ gửi đến cho chúng ta, bồi đắp và nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp đẽ cho cảnh vật bình dị của làng quê Việt.

2K7 tham gia ngay group để nhận thông tin thi cử, tài liệu miễn phí, trao đổi học tập nhé!

close