Phân tích và cảm nhận văn bản Giang

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, trải qua những cuộc phiêu lưu và chiêm nghiệm cuộc sống chắc hẳn ai cũng có cho mình những khoảng nhất định để giữ trong lòng mình, đó là những điều quý giá vô hình mà không một điều gì ở thực tại có thể mang lại được.

Tổng hợp đề thi giữa kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Lời giải chi tiết:

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, trải qua những cuộc phiêu lưu và chiêm nghiệm cuộc sống chắc hẳn ai cũng có cho mình những khoảng nhất định để giữ trong lòng mình, đó là những điều quý giá vô hình mà không một điều gì ở thực tại có thể mang lại được. Cuộc sống là chuỗi những sự kiện biến hoá, trôi chảy theo bánh xe thời gian, con người ta cứ men theo cái vành đai ấy mà chạy, mà đi để tìm kiếm những điều mới mẻ. Trải qua nhiều chuyện, có lúc vấp ngã, có lúc thăng hoa nhưng những gì mà ta đã từng trải qua nó quý giá vô cùng, đến độ ta cứ ngỡ là mãi mãi không bao giờ quên được. Việt Nam trải qua hàng nghìn năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, từ giặc phương Bắc đến phương Tây, dù trong những cuộc chiến nào những người lính trẻ vẫn luôn sẵn sàng đứng lên bảo vệ tổ quốc. Bởi họ yêu cuộc sống hồn nhiên mơn mởn của chính mình, họ yêu quê hương đất nước, họ muốn có được tự do để thoả sức vùng vẫy trong mưa bom bão đạn. Chính từ những trang chiến tranh đẫm máu, không gì có thể ngăn cản họ, họ luôn hừng hực ngọn lửa tình yêu bỏng cháy trong trái tim ấm nóng, chiến tranh qua đi, những kỉ niệm ấy như một khoảng trống không bao giờ được lấp đầy, thổn thức và nhớ mãi. Có những kỉ niệm mà chỉ khi hòa mình người ta mới dám bộc bạch, có những con người in sâu trong tâm trí đến nay mới được nhắc đến, có lẽ nỗi nhớ là để bày tỏ, không phải cất trong lòng. Cũng từng là một người lính, cũng từng là một thanh niên xung phong, nhà văn Bảo Ninh cũng có những điều thật đẹp trong trí nhớ của mình về một cô gái, cứ ngỡ quen nhau thoáng chốc nhưng lại nhớ nhau một đời. Giang, Phạm Nhật Giang, bóng hồng khó phai trong kí ức của một người nghệ sĩ.

Nhà văn Bảo Ninh từng chia sẻ về nghiệp văn của mình như thế này : “Chiến tranh và văn chương song hành. Từ xưa đến nay, trong khói lửa chiến tranh luôn sản sinh những tác phẩm văn học. Cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam cũng vậy. Cũng như các bạn hữu cùng thời, đa số nhà văn, nhà thơ thế hệ chúng tôi, đều đã kinh qua chiến trận. Bản thân nếu như không trực tiếp lăn lộn trên các chiến trường, tôi đã không thể là nhà văn mà có lẽ đã làm một nghề khác”. Có lẽ nghiệp văn đến với ông không phải là một sự tình cờ, mà gắn liền với vận mệnh và tinh yêu đất nước. Từ những cuộc chiến tranh thành Troy mà Homero viết nên hai bản hùng ca Iliat và Odixe, hay từ những con đường mùa đông ảm đạm của nước Nga mà Puskin đã viết nên bản thi ca Con đường mùa đông. Hiện thực là nơi bắt nguồn của văn học, cái chất văn chương của Bảo Ninh cũng không ngoại lệ. Là một người lính thực thụ, ong cảm nhận được những điều nhỏ nhặt nhất trong những năm kháng chiến, từng chi tiết nhỏ nhất cũng đi len lỏi vào trong tâm trí nhà văn một cách thấm nhuần và đầy thăng hoa, để sau này khi hồi ức lại trong những tập truyện của chính mình ông đã thực sự mỉm cười và nhớ mãi.

Phạm Nhật Giang, một mảnh kí ức khó phai của nhà văn trong những tháng ngày tuổi mười bảy, đến nổi ông lấy cái tên ấy đặt bút danh cho mình. Đến độ vậy có lẽ nó hết mực cảm động, cô gái ấy chắc hẳn đã có một vị trí nhất định trong nhịp thở của nhà văn. Chỉ một cuộc gặp gỡ ở giếng nước đầu làng mà nhớ nhung suốt một đời dai dẳng, chỉ vì những hành động nhỏ ân cần dịu dàng của cô gái ấy mà làm cho chàng trai mới lớn như Bảo Ninh đã thực sự rung động. Một cuộc gặp gỡ mà khiến cho những tâm hồn hai con người xa lạ gắn lại với nhau, dù ngắn ngủi, dù bỏ lỡ. Mãi sau này Bảo Ninh mới bộc bạch những suy nghĩ của mình về “nàng thơ” ấy trong tập truyện ngắn của mình, tình cảm có thể có ở quá khứ, hiện tại, hay tương lai nhưng điều quan trọng nhất là nó ở trong trái tim của chúng ta bao lâu. Đọc truyện ngắn Giang ta ngỡ như quay về độ tuổi xuân thì, nhìn đời bằng con mắt xanh non, con bắt biếc rờn mà đắm chìm trong những thẹn thùng của tình yêu tuổi trẻ. Một chàng lính trẻ ban đầu vẫn ngơ ngác về một chuỗi những sự việc xảy ra quá bất ngờ và khó xử, cho đến mãi sau này khi nhớ về mảnh ghép ấy bỗng chột dạ và như muốn nói thêm một điều gì đó, nhưng sao thắng nổi thời gian, mọi thứ nay đã muộn, chỉ còn lại những kỉ niệm trên giấy và cảm xúc xưa cũ.

Năm ấy, vừa tròn mười bảy tuổi, chàng lính trẻ Bảo Ninh vừa kết nạp vào một tiểu đoàn 5 tân binh đóng quân ở Bãi Nai, vì đạt điểm cao nhất đại đội môn thiện xạ mà được chỉ huy cho phép hai ngày nghỉ. Anh lính trở về nhà nhưng cũng nóng lòng trở lại tiểu đoàn, mười hai giờ trưa đã tức tốc chạy ra bến xe Kim Mã để bắt xe cho kịp. Chính sự nôn nao ấy đã mở ra một cuộc gặp gỡ định mệnh của anh và Giang, một cô gái hiền lành và dễ mến. Chính cuộc gặp gỡ ấy đã gây nên cho chàng lính trẻ bao nhiêu thổn thức, đi từ những cung bậc cảm xúc khác nhau, mãi là những gì đẹp nhất của tuổi trẻ ngây thơ hồn nhiên. Độ sáu giờ chiều anh rời xe xuống thị trấn Lương Sơn, trời vừa lạnh, lại bị cái đói giày xé cả một ngày trời, chân tay thì lấm lem bùn đất, anh mon men đi đến cái giếng đầu làng để kiếm ít nước rửa trôi lớp bùn kia. Từ xa qua màn mưa bụi trắng như sương, lại thêm cái tối của buổi chạng vạng, bỗng anh nhìn thấy bóng người đang gánh nước, đến gần thì nhận ra đó là một cô gái, liếc nhanh qua chiếc nón mà cô ấy bỏ trên thành giếng lúc múc nước một cái tên được viết bằng thứ mực tím, cả tên cả họ cả lót, Phạm Nhật Giang. Cái tên nghe sao đẹp quá, một cô gái trạc tuổi mình, một chàng trai nào ở cái tuổi ấy mà không có chút bồi hồi trong lòng chứ. Cô ấy lại chẳng để ý đến anh, thản nhiên xách gánh nước lên chuẩn bị đi thì một giọng nói làm cô ấy quay đầu lại, “Kìa, Giang, cho anh mượn cái gầu đã nào”. Có lẽ trong cái giọng điệu ấy có chút gì đó ngọt ngào hay sao, mà Giang lại có cảm tình với anh lính trẻ ngày từ một câu nói trong lần đầu gặp. Giang giúp anh múc từng gàu nước lên để rửa đi cái bùn đất dính cứng trên cả người và đôi dép, không phải cô ấy xối từng gầu nước thản nhiên mà một tay đổ nước một tay chà rửa, anh lính đứng bất động, một hồi lâu cả hai người chẳng nói gì với nhau. Trong cái không khí tĩnh lặng đầu trấn chỉ nghe tiếng kéo gầu róc rách, tiếng nước dội rửa, kì cọ, một người thì đứng im lìm, còn người kia thì làm việc không một lời hỏi thăm nào. Chính sự ngại ngùng ấy đã đem đến cho hai trái tim trẻ những cảm tình về nhau phút ban đầu, mở ra một cuộc gặp gỡ thoáng chốc nhưng đầy nhung nhớ. Thế rồi Giang ngạc nhiên bảo sao anh lính lại biết tên mình, cuộc trò chuyện về cái tên cũng khiến hai người bắt đầu thoải mái hơn, không ngại ngùng im bặt đi giống như vừa nãy nữa. Giang biết anh ở xóm Đượm, cô ngỏ ý muốn mời anh về nhà xơi miếng nước rồi nghỉ một chút. Chần chừ một lúc sau anh cũng theo Giang về. Anh muốn gánh hộ Giang gánh nước nhưng cô gái ấy không chịu, thế là anh đi theo Giang về nhà, đi sau bóng lưng của cô gái ấy anh cũng không nghĩ nhiều, nghĩ ngợi bân quơ rồi cũng tới nơi.

Mãi đi theo Giang trong cái ngõ tối, rồi cũng tới một căn nhà nhó chẳng có gì trong đó cả, có mỗi một chiếc giường đơn, chiếc đèn hoa kì đang loe loét trên cái chõng tre, anh bước vào nhà rồi lấy gói bánh bit cốt ra, rót miến chè tươi vào bát, định là ăn bánh rồi uống trà. Giang mời cơm nhưng anh lính lại từ chối, thế vẫn không thể từ chối được. Anh lính trẻ nằm lên chiếc giường ở giữa gian nhà, chắc hẳn đang suy tư mọi việc, chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ, một cô gái xa lạ mình vừa mới gặp lại mời mình đến nhà chơi, rồi lại ăn cơm nữa. Trong đầu anh lính hiện lên nhiều câu hỏi, có lẽ câu hỏi lớn nhất là Nhật Giang sao đối xử với mình như một người nhà vậy. Thế rồi anh cũng bặt đi, nằm trên giường chốc sau thì ngoài người có một dáng người cao lớn bước vào, anh miêu tả “Một người đàn ông to lớn bước mạnh vào…” “Ông nọ vận đại cán vải dạ xanh sẫm, giày da Coughing, quân hàm ve áo hai sao hai vạch”, anh giật bắn mình rồi ngồi dậy thật nhanh, đón nhận sự ngạc nhiên và thắc mắc từ người đàn ông ấy. Ông nghiêm nghị hỏi “Cậu là ai, sao chui vào đây?”, chưa kịp dứt lời thì Giang đã từ nhà dưới đi lên nhanh nhảu trả chen ngang vào cuộc trò chuyện ấy “Bố về rồi đấy ạ”, rồi giới thiệu anh lính với một thân phận khác, một người bạn cùng lớp, tên Hùng, đóng quân gần đây, thế là anh lính đã nhẹ nhõm hơn nhưng cũng vô cùng ngỡ ngàng trước những lời nói của Giang. Rồi bố Giang hỏi anh mấy câu nữa, Giang thấy vậy liền nũng nịu bảo bố đừng làm khó anh nữa, rồi xin bố để chiếc xe đạp Phượng Hoàng để đèo anh về tiểu đội, anh cảm thấy vô cùng áy náy, nhưng vì sự nhiệt thành của Giang mà vẫn tiếp tục nán lại mặc dù rất muốn rời khỏi tình huống khó xử này.

 Tối ấy, anh đèo Giang vào sâu trong Bãi Nai, suốt con đường lên dốc, xuống dốc, quành rẽ, lại thêm cái màn đêm tịch mịch, anh chỉ men theo cái vệt trắng của con đường mà đạp mải miết, không mệt. Đó là lần đầu tiên anh đèo con gái, nhớ lại lúc trước mẹ mua cho con Mipha chỉ dám đèo thằng bạn thân chứ đã đèo con gái bao giờ đâu, lần này là lần đầu tiên, anh lính vô cùng hồi hộp và chẳng biết nói gì trong suốt đường đi vào Bãi Nai. Thi thoảng hai người nói chuyện, nhưng chỉ mình Giang nói. Cô ấy chia sẻ mình là trò Trưng Vương, giờ đang là sinh viên của trường Tổng hợp. Anh cứ thế chìm vào giọng nói ngọt ngào lánh lót của cô gái mới lớn mà quên bẵng đi phải kiếm câu chuyện gì đó về mình để nói. Đến khi Giang đề nghị Tết vào đơn vị chơi với mình anh chỉ biết thở một hơi thật dài, rồi cũng trầm ngâm trong suốt một đoạn đường. Lúc chia tay anh nhìn bóng Giang đạp chiếc xe đạp nặng chịch ấy cứ thế mờ dần trong màn đêm tĩnh lặng, trong đầu cũng đang tự trách tại sao mình chẳng nói lời nào, chỉ biết cô ấy ở phố Khâm Thiên, ngõ Chợ. Anh bắt đầu có những cảm giác hối tiếc về sự im lặng của mình, phải chăng anh đã bỏ lỡ một cô gái tốt và vô cùng dịu dàng. Chính vì thế, mãi sau này khi hoà bình được lập lại, ngồi xuống viết nên câu chuyện như thế này, có muốn tìm Giang cũng chẳng biết ở đâu để lần. Có lẽ thời điểm đó có Giang rung động với anh ấy, còn người thanh niên chưa hiểu gì về những xúc cảm chắc bao trùm lên anh ấy chỉ là sự ngạc nhiên và bỡ ngỡ khi được một người lạ quan tâm và đối đãi như người trong nhà.

 Hai ngày sau vào tối ngày hai mươi bảy tết, tiểu đoàn của anh lính nhổ neo rời Bãi Nại hành quân lên Thường Tín, bất ngờ anh lính trẻ lại gặp được bố Giang, thì ra ông ấy là tham mưu trưởng của chiến dịch lần này. Khi gặp lại người bạn của Con gái ông vô cùng mừng rỡ “ Hùng đấy hả Hùng, Giang nó cứ nhắc cậu mãi, nó cứ buồn vì không gặp lại cậu trước khi chúng ta lên đường”, trong cái câu nói ấy chớm lên sự mừng vui và ngạc nhiên. Ông ấy còn bảo Giang muốn tặng anh một bức ảnh nhưng lại quên mang theo, để lần sau ông ấy đem đến, nhưng làm gì có lần sau nữa, ông ấy đã hy sinh trong trận chiến năm ấy. Thế mới thấy được sự tàn bạo của chiến tranh, người cha mất đi để lại cô con gái mới lớn ở lại, sao có thể diễn tả được niềm đau ấy. Sau lần đó, anh cũng không còn gặp lại Giang nữa, cuộc gặp gỡ hôm ấy là lần đầu cũng như lần cuối khi cảm nhận được sự ngọt ngào của một người con gái xa lạ. “Chiến tranh, đời lính, tuổi trẻ, mọi sự là như thế, chỉ thế thôi, thoảng nhanh. Nhưng không tắt lịm. Chỉ thế thôi nhưng để rồi sau này cứ nhớ mãi. Trở thành nỗi đau. Những nỗi đau mất mát âm thầm”. Cuộc đời của một con người cứ thế kết thúc, sự tàn ác của chiến tranh đối với con người Việt nam là rất lớn, sau cùng chỉ nỗi đau là dày vò người ở lại. Chắc hẳn bây giờ Nhật giang vẫn còn nhớ đến anh lính trẻ năm ấy, anh ta cũng chừng hề quên đi người con gái rửa tay rửa chân cho mình ở đầu trấn Lương Sơn năm đó, tất cả chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, vẩn vơ nhưng sao lại in hằn lên trí nhớ một cách sâu sắc như thế. Suốt đời sẽ chẳng bao giờ quên được, kỉ niệm là thứ để ta cất giữ mãi mãi trong lòng.

Nghệ thuật sử dụng ngôi kể thứ nhất để thuật về những trải nghiệm trong cuộc đời chính mình là một nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật viết truyện ngắn của Bảo Ninh. Những sáng tác của ông vô cùng chân thực thấm đẫm chuyện tình, chuyện đời mà chỉ xuất hiện ở những người nghệ sĩ chân chính. Xúc cảm, nước mắt từ chiến tranh được nhà văn đúc kết một cách chắt chiu nhất để viết nên những thiên truyện vô cùng ý nghĩa. Ông đã quan niệm cái nghề văn này “Nghề văn là một nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ, nhà văn tự cho mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm, có ham thú đúc kết thế thái nhân tình đặng tìm ra cho mình và bạn đọc của mình những giá trị, ý nghĩa ở hiện tại vừa thay đổi không ngừng theo đời sống con người”, văn chương Bảo Ninh đi từ máu của chiến tranh, của hiện thực tàn khốc để rồi viết nên những trang viết thăng hoa cảm xúc, gắn liền những tâm hồn đồng điệu và cũng là phương tiện để nhà văn thể hiện cái tôi sáng tạo của mình.

Lời giải chi tiết:

Cuộc sống hòa bình, yên ổn dường như đã quá quen thuộc với con người thời nay. Nhưng để có được bầu trời xanh tự do ngày hôm nay là sự đánh đổi, hi sinh của biết bao thế hệ đi trước. Họ đã bỏ lại sau lưng nhiều ước vọng, hoài bão để vác súng ra trận, đổi "mùa xuân" tuổi trẻ của bản thân lấy "mùa xuân" vĩnh cửu cho dân tộc. Với truyện ngắn "Giang" của Bảo Ninh, ta sẽ được tìm hiểu sâu hơn về đất nước và con người trong thời chiến.

Tác phẩm đã đề cập đến chủ đề hết sức quen thuộc: chiến tranh. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, nhà văn Bảo Ninh đã tái hiện cuộc sống của con người nhỏ bé trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ độc lập - tự do cho dân tộc. Không chỉ mang đến những kỉ niệm đẹp giữa nhân dân với chiến sĩ, "Giang" còn gợi lại vô vàn nỗi đau, mất mát mà chiến tranh đem lại.

Tác phẩm đưa đến cho ta bức tranh về tình quân - dân gắn kết, bền chặt. Nó được thể hiện qua cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhân vật "tôi" với cô gái Nhật Giang. Sự tinh tế, chu đáo của cô gái trẻ đã làm anh lính sững sờ, đồng thời không kém phần cảm động, vui sướng. Từ đó, mối quan hệ của hai con người trẻ tuổi càng thêm kết nối, thân quen. Thái độ của bố Giang - vị trung tá cao lớn - ban đầu khá nghiêm nghị, khiến nhân vật "tôi" hốt hoảng, lo lắng. Nhưng sau khi được con gái giới thiệu, ông trở nên rất thân thiện. Ông còn cho phép Giang lấy chiếc xe đạp của mình để đưa chàng lính trẻ về đơn vị cho kịp giờ. Trong lần gặp lại trên chiến trường, ông rất vui vẻ, hồ hởi. Ông kể cho anh lính về con gái mình, hẹn anh "bữa sau" gặp sẽ đưa anh tấm ảnh mà con bé gửi.

Bên cạnh đó, tuy không đi sâu vào miêu tả những trận chiến ác liệt nhưng qua câu chuyện, độc giả vẫn thấy được những đau thương, mất mát mà thời kì bom đạn khói lửa ấy mang lại cho con người. Đó là sự chia xa của gia đình Giang khi "mẹ mất năm ngoái, anh trai thì mới vừa đi Bê tháng trước". Bố cô phải mượn một túp nhà đơn sơ để đón con gái lên ăn Tết cùng. Đến cuối, cả vị tham mưu trưởng đáng kính ấy cũng phải rời bỏ Giang. Ông đã hi sinh trên chiến trận, để lại đứa con gái chờ đợi ở nhà, đồng thời để lại khoảng trống lớn trong lòng và cái hẹn "bữa sau" chẳng bao giờ thực hiện được với anh lính trẻ. Chiến tranh đã chia cắt mọi người. Không chỉ không thể gặp lại vị tham mưu trưởng đáng kính, nhân vật "tôi" còn mất đi cơ hội gặp lại cô bé Nhật Giang ngày nào. Nó đã trở thành sự mất mát, thành nỗi buồn "thoảng nhanh nhưng không tắt lịm" trong lòng người lính. Và đó cũng chính là hoàn cảnh chung, là thực tế phũ phàng mà những con người thời chiến buộc phải chấp nhận.

Để thể hiện được những nội dung hết sức sâu sắc ấy, không thể không nhắc đến thành công nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, đặt điểm nhìn vào chàng lính trẻ cùng những tình huống truyện độc đáo đã mang đến sức thuyết phục cho câu chuyện. Ta như được tận mắt chứng kiến từng diễn biến, sự kiện, cùng vui cùng buồn với các nhân vật, từ đó biết ơn sự hi sinh cao cả của các thế hệ trước. Họ chính là những người anh hùng vô danh, đánh đổi hạnh phúc bản thân để đem đến cuộc sống hòa bình như bây giờ cho dân tộc. Không chỉ vậy, các nhân vật trong tác phẩm cũng được xây dựng một cách vô cùng gần gũi, chân thực. Mỗi người lại có cho mình những nét tính cách riêng độc đáo, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Ta thấy anh lính mười bảy tuổi với sự phơi phới của tuổi trẻ; vị trung tá quân đội vừa cao lớn, nghiêm nghị, vừa thân thiện, dễ gần; cô gái tinh tế, nhiệt tình, ân cần với cái tên thật đẹp: Phạm Nhật Giang. Tất cả đều góp phần tạo nên một thế giới thu nhỏ trên trang giấy, tái hiện lại cuộc sống đầy màu sắc của con người trong thời chiến.

Bằng sự tài hoa của mình, nhà văn Bảo Ninh đã đem đến một tác phẩm hết sức chỉn chu cả về nội dung và nghệ thuật. "Giang" đã tái hiện hết sức chân thực cuộc sống của con người thời chiến với tình quân - dân thắm thiết, sâu nặng. Những nỗi đau mà chiến tranh mang lại được kể một cách nhẹ nhàng, càng khắc sâu hơn kí ức mất mát vào lòng độc giả. Từ đó, ta lại càng thêm biết ơn những thế hệ đi trước. Tình yêu nước cháy bỏng cùng lòng quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thôi thúc họ cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vậy mà ta mới có được cuộc sống hòa bình, yên ổn như bây giờ. Nghệ thuật kể chuyện tài tình cũng góp phần khiến trải nghiệm đọc của ta thêm chân thực và đầy cảm xúc. Nó đã giúp cho "Giang" nổi bật lên giữa vô vàn các tác phẩm khác cùng chủ đề.

Chiến tranh qua đi để lại cho con người bao mất mát, đau thương. Nhìn vào đó, ta lại càng phải thêm trân trọng nền hòa bình, độc lập bây giờ. Tuy vậy, dù đã ở thế kỉ XXI, tình hình chính trị thế giới hiện vẫn hết sức căng thẳng. Có thể lấy cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm ví dụ. Nó đã gây nên hàng loạt mất mát cả về người và của, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và chính trị toàn cầu. Vậy nên, mỗi người cần hết sức nỗ lực bảo vệ xã hội. Hãy kêu gọi mọi người phản đối chiến tranh, giữ cho cộng đồng chung luôn tiến bộ, yên bình, tạo ra môi trường phát triển tốt nhất cho thế hệ tương lai.

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

close