Đề kiểm tra 15 phút chương 4 phần 2 lịch sử 7 - Đề số 5 có lời giải chi tiếtĐề kiểm tra 15 phút chương 4 phần 2 lịch sử 7 - Đề số 5 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp Đề bài I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (5,0 điểm) Câu 1. Vì sao hào kiệt khắp nơi lại tìm về hội với nghĩa quân Lam Sơn? A. Lê Lợi là một hào trưởng có uy tín ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa). B. Đất Thanh Hóa vốn nổi tiếng bởi truyền thống anh dũng, anh hùng. C. Truyền thống đoàn kết đánh giặc của nhân dân ta vẫn luôn được phát huy. D. Nhà Minh nới lỏng chính sách cai trị. Câu 2. Lê Lợi đề nghị tạm hòa với quân Minh vào mùa hè năm 1423 xuất phát từ nguyên nhân nào? A. Nghĩa quân có sự phân hóa. B. Tướng Nguyễn Chích hi sinh. C. Nghĩa quân còn non yếu, gặp nhiều nguy nan. D. Giả vờ thua để chuẩn bị lực lượng phản công. Câu 3. Tại sao Nguyễn Chích lại đưa ra kế hoạch chuyển địa bàn đóng quân từ vùng rừng núi Thanh Hóa vào Nghệ An? A. Nơi đây là vùng đất có truyền thống yêu nước nồng nàn. B. Nơi đây là vùng có vị thế hiểm yếu. C. Nơi đây có địa hình bằng phẳng, dễ chiến đấu. D. Nơi đây quân Minh đã thông thạo địa hình. Câu 4. Biểu hiện tiêu biểu nào minh chứng cho sự ủng hộ của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ cuối năm 1424 đến cuối năm 1426? A. Hàng ngàn trai tráng nô nức gia nhập nghĩa quân. B. Lê Lai cải trang thành Lê Lợi, liều chết phá vòng vây của quân giặc. C. Cùng nêu cao lời thề quyết chiến ở Hội thề Lũng Nhai (Thanh Hóa). D. Giúp nghĩa quân chiến thắng trong trận Chi Lăng – Xương Giang. Câu 5. Nhận định nào là chính xác khi đánh giá về đề nghị của Nguyễn Chích vào năm 1424? A. Đề nghị chưa đúng đắn, gây nhiều tổn thất cho nghĩa quân. B. Đề nghị hoàn toàn đúng đắn, giúp nghĩa quân giành nhiều chiến thắng. C. Đề nghị hoàn toàn đúng đắn, giúp nghĩa quân lật đổ hoàn toàn ách cai trị của nhà Hán. D. Đề nghị chưa đúng đắn, quân Minh đã thông thuộc hết địa hình Nghệ An. II. PHẦN TỰ LUẬN (5,0 điểm) Câu 6. Em có nhận xét gì về kế hoạch của Nguyễn Chích? Kế hoạch đó đưa lại kết quả và ý nghĩa gì đối với sự phát triển, lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn cả thế và lực? Lời giải chi tiết ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT I. PHẦN TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Phương pháp: sgk trang 85, suy luận. Cách giải: Hào kiệt khắp nơi tìm về hội với nghĩa quân Lam Sơn do: - Dưới ách đô hộ tàn bạo của nhà Minh, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân liên tiếp bùng nổ. Mặc dù bị đàn áp dã man, quần chúng nhân dân, những người yêu nước vẫn luôn tìm cách đứng lên khởi nghĩa lật đổ ách thống trị tàn bạo đó. - Lê Lợi là một hào trưởng có uy tín lớn ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa). Chọn: A Câu 2. Phương pháp: sgk trang 86, suy luận. Cách giải: Lê Lợi phải đề nghị tạm hòa với quân Minh xuất phát từ lí do sau: - Những ngày đầu khởi nghĩa, nghĩa quân còn non yếu, gặp nhiều khó khăn, nguy nan, phải ba lần rút lên núi Chí Linh (Lang Chánh, Thanh Hóa) và liên tiếp chống lại sự vây quét của giặc.Nghĩa quân đã lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng, đói, rét. - Trong khi đó, lực lượng quân Minh còn mạnh và làm chủ cả nước. => Vì vậy, mùa hè năm 1423 Lê Lợi đã đề nghị tạm hòa với quân Minh để bảo toàn lực lượng. Chọn: C Câu 3. Phương pháp: sgk trang 87, suy luận. Cách giải: Nguyễn Chích đưa ra kế hoạch chuyển địa bàn đóng quân từ vùng rừng núi Thanh Hóa vào Nghệ An do Nghệ An có vị thế hiểm yếu: + Đất rộng người đông. + Quân Minh đã khá thông thạo địa hình ở Thanh Hóa. + Quân Minh chưa thông thạo địa hình ở Nghệ An. Chọn: B Câu 4. Phương pháp: sgk trang 87, 88, suy luận. Cách giải: Những biểu hiện minh chứng cho sự ủng hộ của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ cuối năm 1424 đến cuối năm 1426 là: - Năm 1424, khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào giải phóng Nghệ An, được sự ủng hộ của nhân dân, chỉ trong một thời gian ngắn, phần lớn Nghệ An được giải phóng, quân giặc phải rút vào thành cố thủ. + Khi Lê Lợi kéo quân đến làng Đa Lôi (Nam Đàn, Nghệ An) thì già, trẻ tranh nhau đem trâu, rượu đến khao quân. + Khi nghĩa quân chia nhau đi lấy đất các châu huyện, đi đến đâu người ta nghe tiếng, là quy phục và nhân dân trong cõi dắt díu nhau đến như đi chợ. Mỗi châu, huyện được giải phóng lại có hàng ngàn trai tráng nô nức gia nhập nghĩa quân. Có những gia đình, hai cha con hoặc mấy anh em cùng xin nhập ngũ,... - Cuối năm 1426, khi tiến quân ra Bắc, nghĩa quân đi đến đâu cũng được nhân dân nhiệt tình ủng hộ về mọi mặt. Nhiều tấm gương yêu nước xuất hiện như: + Bà Lương Thị Minh Nguyệt ở làng Chuế Cầu (Ý Yên - Nam Định) bán rượu thịt ở thành Cổ Lộng, lừa cho giặc ăn uống no say, rồi bí mật quẳng xuống kênh chảy ra sông Đáy. + Cô gái người làng Đào Đặng (Hưng Yên) xinh đẹp, hát hay thường được mời đến hát mua vui cho giặc.Đêm đến, sau những buổi ca hát, tiệc tùng, nhiều kẻ chui vào bao vải ngủ để tránh muỗi. Cô cùng trai làng bí mật khiêng quẳng xuống sông. Chọn: A Câu 5. Phương pháp: Nhận xét, đánh giá. Cách giải: - Trước tình hình quân Minh tấn công nghĩa quân, Nguyễn Chích đã đề nghị tạm rời núi rừng Thanh Hóa, chuyển quân vào Nghệ An. - Đề nghị của Nguyễn Chích là hoàn toàn đúng đắn. Nghệ An là nơi đất rộng, người đông, địa hình hiểm trở, rất thích hợp cho hoạt động của nghĩa quân. - Với kế hoạch chuyển hướng của Nguyễn Chích, cả vùng Diễn Châu, Thanh Hóa được giải phóng chỉ trong vòng không đầy một tháng. Chọn: B II. PHẦN TỰ LUẬN Câu 6. - Nguyễn Chích đã có những nhận định đúng đắn về vị trí vùng đất từ Nghệ An trở vào Nam: đất rộng người đông, lực lượng quân Minh ít, nhân dân đều mong muốn tham gia khởi nghĩa. - Qua diễn biến hết sức thuận lợi khi nghĩa quân chuyển hướng tấn công vào Nghệ An, chỉ trong khoảng một thời gian, nghĩa quân đã giải phóng được Nghệ An, Thanh Hóa chứng tỏ sự đúng đắn của kế hoạch. Vì thế đề nghị của Nguyễn Chích ngay từ đầu đã được Lê Lợi và bộ chỉ huy nghĩa quân chấp nhận. - Việc thực hiện kế hoạch của Nguyễn Chích chuyển quân vào Nghệ An đã giúp cho nghĩa quân Lam Sơn thoát khỏi thế bị bao vây, mở rộng địa bàn hoạt động và kiểm soát của nghĩa quân trên một phạm vi rộng lớn, tạo điều kiện để nghĩa quân tiếp tục đánh vào phía Nam, giải phóng Tân Bình và Thuận Hóa. Thế và lực đã thay đổi, nghĩa quân giành được thế chủ động, lực lượng nghĩa quân ngày càng đông và trưởng thành trong chiến đấu. xemloigiai.com
|